Doanh nhân Phạm Nhật Vượng
Đối với người Việt Nam, doanh nhân Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup – chắc hẳn không còn là cái tên xa lạ. Nhưng chúng ta thường chỉ biết về một tỷ phú đô la, ông chủ Vingroup… mà ít ai biết rằng ông Phạm Nhật Vượng vốn xuất thân trong một gia đình bình thường.
Ông Phạm Nhật Vượng sinh năm 1968 ở Hà Nội, quê gốc ở Can Lộc, Hà Tĩnh. Ông đỗ Đại học Mỏ – Địa chất Hà Nội, sau đó nhận được học bổng du học Nga. Đây là bước đệm quan trọng giúp ông trở thành doanh nhân Việt Nam sau này.
Khi còn là sinh viên, Phạm Nhật Vượng bén duyên với kinh doanh. Công việc đầu tiên của ông là kinh doanh mì gói. Năm 1993 ông cho ra mắt thương hiệu mì Mivina, đến 2004, thương hiệu mì này đã chiếm đến 97% thị phần ở Ukraine. Sau đó, ông mở rộng sang việc kinh doanh thức ăn nhanh, đồ gia vị…
Doanh nghiệp của ông ngày càng phát triển và mở rộng quy mô. Đây chính là tiền thân của Tập đoàn Vingroup lớn mạnh sau này.
Ngày nay, Vingroup được xem là tập đoàn lớn nhất Việt Nam. Tập đoàn này kinh doanh đa dạng các lĩnh vực bất động sản, sản xuất công nghiệp, bán lẻ, chăm sóc sức khỏe…
Từ 2013 đến nay ông luôn nằm trong top những người giàu nhất Việt Nam. Theo thống kê của Forbes vào tháng 4/2023, ông Phạm Nhật Vượng sở hữu khối tài sản ròng có giá trị 4,6 tỉ USD, đứng thứ 586 trên thế giới.
Doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ
Trong danh sách những doanh nhân Việt Nam từ hai bàn tay trắng, không thể không nhắc đến Đặng Lê Nguyên Vũ – Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên. Từ quán cà phê 2 mét vuông, phải đi vay mượn khắp nơi đến việc sở hữu hệ thống cà phê nổi tiếng là quá trình lâu dài cùng tầm nhìn rộng lớn.
Sinh ra trong gia đình làm nông, điều kiện gia đình khó khăn càng thôi thúc ông lập nghiệp. Năm 1996, ông mở tiệm cà phê với diện tích chỉ 2 mét vuông. Đây là khởi điểm đưa ông trở thành “Vua cà phê Việt” sau này.
Ngày nay, Trung Nguyên đã trở thành thương hiệu cà phê số 1 Việt Nam. Ông Vũ cũng đã được tạp chí National Geographic Traveller vinh danh là “Vua Cà phê Việt”.
Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam cho biết, năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 1,7 triệu tấn cà phê, thu về khoảng 4 tỷ USD, trong đó giá trị sản phẩm cà phê chế biến sâu chiếm 15% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong số này, tổng doanh số xuất khẩu của Trung Nguyên Legend năm qua là hơn 100 triệu USD (tương đương hơn 2.300 tỷ đồng).
Theo thống kê, sau 10 năm thâm nhập thị trường Trung Quốc, tính đến thời điểm hiện tại, cứ mỗi 18 ly cà phê được bán ra ở Trung Quốc, có 1 ly cà phê Trung Nguyên Legend.
Ngày 28/3/2023, Tập đoàn Trung Nguyên Legend của ông Đặng Lê Nguyên Vũ cũng đã mở văn phòng đại diện tại Gangnam, Seoul, Hàn Quốc để đẩy mạnh bán cà phê G7.
Doanh nhân Đoàn Nguyên Đức
Ông Đoàn Nguyên Đức hay còn gọi là bầu Đức, là một nhân vật nổi tiếng trong làng bóng đá Việt Nam, đồng thời là một doanh nhân thành đạt với thương hiệu nổi tiếng Hoàng Anh – Gia Lai.
Bầu Đức sinh ra trong một gia đình nghèo khó với đông anh chị em. Sau 4 lần thi đại học mà không đỗ, ông quyết định khăn gói vào TP.HCM để nuôi sống bản thân và tích góp kinh nghiệm cho tương lai.
Sau nhiều thay đổi trong kinh doanh bằng nghề mộc và nội thất, tới năm 1993, xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Pleiku của Đoàn Nguyên Đức ra đời. Đây là tiền thân để ông xây dựng nên Công ty Cổ Phần Hoàng Anh Gia Lai, mở ra một thời kỳ tươi sáng về sau trong lĩnh vực khoáng sản, gỗ, cao su, địa ốc và bóng đá.
Bầu Đức từng khẳng định với báo chí rằng: “ Phải có tên trong danh sách tỷ phú thế giới chứ không còn đơn thuần là người giàu Việt Nam. Tất nhiên, ước mơ chỉ là ước mơ, tôi tin rằng, tất cả những doanh nhân tâm huyết làm giàu đều mong muốn và phấn đấu vì điều này ”.
Năm 2022, ông Đoàn Nguyên Đức nhận thù lao 2,57 tỷ đồng tại Hoàng Anh Gia Lai, giảm nhẹ so với mức 2,66 tỷ đồng năm 2021. Ngoài ra, ông Đức còn nhận khoản 58,5 triệu đồng thu nhập tại các công ty con thuộc tập đoàn.
Hiện bầu Đức vẫn là cổ đông lớn nhất tại doanh nghiệp với sở hữu gần 320 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ nắm giữ 34,5% vốn. Giá trị cổ phiếu HAG đầu tháng 6/2023 ở quanh mức 8000 đồng/cổ phiếu.
Theo vtc.vn
https://vtc.vn/nhung-doanh-nhan-viet-nam-thanh-dat-tu-hai-ban-tay-trang-ar786345.html