Từ ngày miền Bắc trở lạnh, chị Nguyễn Thu Thương (30 tuổi, Hà Nội) đã thấy da nứt nẻ, bong vảy trắng nhẹ bám đầy quần áo. Nhưng đó chưa phải là nỗi phiền muộn lớn nhất.
“Ban ngày da châm chích, lâm râm, thỉnh thoảng phải gãi, nhưng khổ nhất là ban đêm khi ngủ. Những hôm trời xuống rét, tôi càng ngứa dữ dội vùng da chân, tay, vai, khó chịu đến mất ngủ”, chị than thở. Bệnh nhân càng gãi, cơn ngứa chỉ đỡ tức thời, nhưng da lại trầy xước, chảy máu.
Theo bác sĩ Đặng Bích Diệp, Bệnh viện Da liễu Trung ương, thời tiết lạnh kèm hanh khô khiến nhiều người gặp tình trạng như chị Thương. Thậm chí, khi gãi nhiều, da trầy xước, chảy máu, sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng.
Nguyên nhân gây bệnh là chức năng điều tiết của tuyến mồ hôi, tiết bã bị hạn chế nên khiến da khô. Thông thường, da tiết ra những chất hữu cơ (chất béo tự nhiên) cùng với mồ hôi giúp da nhờn, đàn hồi chống lại sự xâm nhập của các loại vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng, bụi bẩn… Khi thời tiết khô lạnh, da ít tiết mồ hôi và các chất béo tự nhiên khiến da bị khô và nứt nẻ gây ngứa. Ngoài ra, da khô, nứt nẻ, ngứa ngáy có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn như bệnh viêm da cơ địa.
Sáu sai lầm khiến da khô căng, gây ngứa ngày lạnh
Uống ít nước: Ngại, quên uống nước do không có cảm giác khát khiến da đã bị thiếu ẩm, thiếu nước càng khô hơn. Bác sĩ khuyên người dân uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày, uống cả khi không khát, tăng cường ăn rau xanh, hoa quả bổ sung vitamin.
Không dưỡng ẩm: Uống nhiều nước là chưa đủ để cấp ẩm da mùa lạnh, hanh khô. Bác sĩ Hoàng Văn Tâm, Phó trưởng khoa Điều trị nội trú ban ngày của Bệnh viện Da liễu Trung ương, khuyên sử dụng kem dưỡng ẩm phù hợp với loại da, vùng da (mặt, cơ thể). Với người da khô có thể dùng thuốc mỡ sẽ hiệu quả. Thời điểm bôi kem dưỡng tốt nhất là sau khi tắm, rửa mặt khoảng 5 phút, khi làn da còn ẩm để kem được thẩm thấu.
Tắm, rửa mặt bằng nước quá nóng: Đây là sai lầm lớn nhiều người gặp, khiến da khô và ngứa. Đó là bởi sau khi tắm, hơi nước nóng sẽ bốc hơi làm bay đi độ ẩm, giảm lớp chất nhờn tự nhiên của da. Bác sĩ Tâm khuyên không nên tắm lâu, tắm nhiều lần trong ngày mà nên tắm trong thời gian ngắn, nước ấm. Không dùng nước nóng để rửa mặt. Người da khô cũng nên điều chỉnh số lần rửa mặt nếu quá nhạy cảm, lựa chọn các loại sữa rửa mặt chứa nhiều thành phần dưỡng ẩm.
Sử dụng xà phòng để tắm: Xà phòng hay một số sản phẩm làm sạch da có độ kiềm cao rất dễ khiến da bị khô căng sau khi sử dụng. Nhiều người còn nấu nước lá (như trà xanh) để tắm, trong khi dù trà xanh giúp kháng khuẩn nhưng khiến da khô, tạo môi trường bất lợi cho da.
Dùng máy sưởi hoặc điều hòa nóng quá thường xuyên: Đây là thói quen xấu khiến cho da bị mất nước và khô hơn.
Quên bôi kem chống nắng: Khi thời tiết lạnh, khô hanh làm da khô nhanh hơn, nếu tiếp xúc nhiều với khói bụi thì da sẽ càng dễ nứt nẻ, mọc mụn. Cần bảo vệ và che chắn cho da cẩn thận, không quên bôi kem chống nắng.