Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024
Quảng cáo: quangcao@toasangnganh.net

Tần suất ăn uống tất niên đã khiến chị Nguyễn Minh Yến (quận Hoàng Mai, Hà Nội) tăng 2kg trước Tết. Trong Tết, chị không dám cân nhưng cảm giác áo, váy chật hết.

Tết năm ngoái, chị tăng 3-4 kg trong 1 tuần. Quần áo sau Tết không mặc được, bộ đồng phục của cơ quan cũng căng cứng đến mức chị Yến luôn sợ bục chỉ. Sau đó, chị khổ sở để lấy lại vóc dáng bằng mọi cách như ăn kiêng, tập thể dục. 

Không riêng gì chị Yến, những ngày Tết đi qua là ám ảnh của nhiều người khi bước lên bàn cân. Anh Vũ Trần Ánh (Thanh Xuân, Hà Nội) than thở, sau mỗi dịp Tết, mặt anh lại tròn thêm, bụng to ra. Anh Ánh vốn đã thừa cân và từ 3-4 năm nay, sau Tết Âm lịch, trọng lượng của anh tăng đều. Dù anh có tránh bánh chưng, giò chả vẫn không thoát được việc tăng cân. 

Phó giáo sư, bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, Tết là kỳ nghỉ lễ dài nhất trong năm và cũng là lúc mọi người sum vầy bên gia đình để gặp gỡ người thân và bạn bè.

Các gia đình đều chuẩn bị thật nhiều món ăn ngon, giàu năng lượng kèm với những buổi tiệc tùng mật độ dày hơn những ngày thường. Trong thời gian nghỉ, chúng ta gián đoạn việc tập luyện, vóc dáng sẽ bị ảnh hưởng. Tiêu thụ quá nhiều thức ăn trong Tết cũng khiến không ít người tăng cân, cơ thể kém săn chắc. 

pgs lam vinh nien 410
PGS Lâm Vĩnh Niên – Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Ảnh BVCC

Theo PGS Niên, những món ăn ngày Tết như bánh chưng, bánh tét, thịt kho hột vịt, bánh mứt hay những món hầm… thường rất giàu tinh bột và chứa khá nhiều dầu mỡ. Vì thế, nếu bạn nạp vào cơ thể quá nhiều các món ăn này sẽ khiến cân nặng tăng nhanh chóng.

Bên cạnh đó, do thói quen vui chơi trong những ngày Tết nên chúng ta thường lơ là việc tập luyện. Từ đó, năng lượng nạp vào không được tiêu hao nhiều và dẫn đến tích tụ mỡ trong cơ thể. Đặc biệt, chế độ sinh hoạt trong ngày Tết bị xáo trộn cũng là nguyên nhân gây tăng cân.

Tăng cân nhanh thường do cơ thể đã tiêu thụ quá nhiều thức ăn giàu năng lượng, nhiều đường, nhiều mỡ dẫn đến mất cân bằng về dinh dưỡng, tích trữ nhiều mỡ hơn là phát triển cơ. Mỡ dư thừa sẽ gây nguy hại ngay cả khi chỉ số khối cơ thể (BMI, tính theo cân nặng và chiều cao) vẫn trong khoảng bình thường. Tình trạng này được gọi là “béo phì với cân nặng bình thường” và có thể dẫn đến các biến chứng như đái tháo đường type 2, bệnh tim mạch, các bệnh mạn tính khác và làm tăng nguy cơ tử vong.

Phó giáo sư Niên khuyến cáo, sau Tết, nếu muốn giảm cân, bạn nên chú ý thực hiện tốc độ giảm chậm và đều (khoảng 0,5 – 1kg/tuần). Bên cạnh đó, hình thức giảm cân từ từ cũng giúp sẽ giúp bạn thay đổi thói quen ăn uống và duy trì cân nặng đã giảm lâu dài. 

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng – Trưởng khoa Khám và Tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng quốc gia, để không phải quần quật giảm cân sau Tết, bạn cần ăn đủ chất, ăn trong giới hạn vừa phải không ăn cố. Thứ hai là tránh hấp thụ nhiều đường từ các loại thực phẩm. Bạn nên ăn ít muối, giảm chấm mắm, muối và uống đủ nước hằng ngày. Mỗi người cần khoảng 40ml nước nhân với số cân nặng. 

Bạn không nên lạm dụng các phương pháp giảm cân cấp tốc như detox, nhịn ăn, sử dụng thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc. Các biện pháp giảm cân này tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Thuốc giảm cân đang bán trên mạng phần lớn dựa trên hai yếu tố là gây mất nước kích thích tăng chuyển hóa của cơ thể hoặc kích thích đốt cháy mỡ cơ thể. Bởi vậy, khi bạn ngừng uống thuốc, cân nặng lại tăng về như cũ. 

Làm gì để ăn Tết không lo tăng cân?

Làm gì để ăn Tết không lo tăng cân?

Để không lo tăng cân sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán bạn cần nắm nguyên tắc giá trị năng lượng của các thực phẩm.

Đề xuất